Truy cập nội dung luôn
SỞ TÀI CHÍNH

TỈNH QUẢNG NGÃI


Bộ Tài chính vừa có công văn số 6506/BTC-CST gửi các Bộ, ngành, các cơ quan liên quan xin ý kiến về việc tiếp tục giảm lệ phí trước bạ (LPTB) đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước vào thời điểm từ 1/8/2024 cho đến hết ngày 31/01/2025.

Ảnh minh họa: Nguồn Internet

Lợi cho ngành ô tô trong nước

Đánh giá việc thực hiện giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước thời gian qua, Bộ Tài chính cho biết, kể từ khi dịch Covid – 19 bùng phát và nhanh chóng lan rộng ra các quốc gia trên thế giới, tác động nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế - xã hội các quốc gia. Sau dịch Covid – 19, nền kinh tế vẫn chưa thực sự được “vận hành” một cách bình thường. Để hỗ trợ phát triển kinh tế, kể từ năm 2020 đến 2023, Bộ Tài chính đã xây dựng, trình Chính phủ, trình Quốc hội ban hành nhiều chính sách giảm, giãn, hoãn nhiều loại thuế, phí và tiền thuê đất cho người dân và doanh nghiệp; trong đó, riêng mức thu LPTB được ban hành quy định giảm phí tại 03 Nghị định (Nghị định số 70/2020/NĐ-CP ngày 28/6/2020, Nghị định số 103/2021/NĐ-CP ngày 26/11/2021, Nghị định số 41/2023/NĐ-CP ngày 28/6/2023) giảm mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước với mức giảm lên tới 50%, mỗi lần giảm trong thời gian khoảng 6 tháng. Cụ thể: Nghị định số 70/2020/NĐ-CP ngày 28/6/2020 có hiệu lực từ ngày 28/6/2020 đến hết ngày 31/12/2020; Nghị định số 103/2021/NĐ-CP ngày 26/11/2021 có hiệu lực từ ngày 01/12/2021 đến hết ngày 31/5/2022; Nghị định số 41/2023/NĐ-CP ngày 28/6/2023 có hiệu lực từ ngày 01/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023.

Kể từ ngày 01/1/2024, mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được thực hiện theo Nghị định số 10/2022/NĐ-CP ngày 15/01/2022 của Chính phủ, theo đó mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước bằng mức thu LPTB đối với ô tô cùng loại.

Quá trình triển khai thực hiện chính sách giảm mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước thời gian qua về cơ bản đã đạt được các mục tiêu đề ra khi ban hành, có tác động tích cực đối với người tiêu dùng, nhà sản xuất và phân phối ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước nói riêng và đối với nền kinh tế nói chung.

Trong 6 tháng cuối năm 2020, thực hiện giảm 50% mức thu LPTB theo Nghị định số 70/2020/NĐ-CP, số lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đăng ký trước bạ lần đầu là 209.584 xe, bình quân 34.930 xe/tháng, tăng gấp 2,03 lần so với 6 tháng đầu năm 2020 (số lượng xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đăng ký trước bạ lần đầu trong 6 tháng đầu năm 2020 là 102.924 xe, bình quân 17.574 xe/tháng).

Sang năm 2021, thực hiện giảm 50% mức thu LPTB kể từ tháng 12/2021 đến hết tháng 5/2022 theo Nghị định số 103/2021/NĐ-CP, số lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đăng ký trước bạ lần đầu là 232.192 xe, trong đó, số lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đăng ký trước bạ lần đầu tháng 12/2021 và 5 tháng đầu năm 2022 lần lượt là 63.742 và 168.450 xe. Trong năm 2022, bình quân số lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đăng ký trước bạ lần đầu 5 tháng đầu năm là 33.690 xe/tháng, cao hơn gấp 1,51 lần bình quân số lượng xe 7 tháng cuối năm (số lượng xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đăng ký trước bạ lần đầu trong 7 tháng cuối năm 2022 là 155.423 xe, bình quân 22.203 xe/tháng).

Trong 6 tháng cuối năm 2023, thực hiện giảm 50% mức thu LPTB theo Nghị định số 41/2023/NĐ-CP ngày 28/6/2023 của Chính phủ, số lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đăng ký trước bạ lần đầu là 176.483 xe, bình quân 29.413 xe/tháng, tăng 1,6 lần so với 6 tháng đầu năm 2023 (số lượng xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đăng ký trước bạ lần đầu trong 6 tháng đầu năm 2023 là 107.194 xe, bình quân 17.865 xe/tháng).

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước cũng có những tác động tiêu cực đối với ngân sách nhà nước (NSNN) và về mặt cam kết quốc tế.

Tác động mạnh tới việc cân đối ngân sách

Tại Việt Nam, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước đã bước đầu khẳng định vai trò, vị trí đối với thị trường ô tô trong nước và đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về lượng và chất, đóng góp hàng tỷ USD vào NSNN. Tính đến hết năm 2022, cả nước có hơn 40 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô với tổng công suất của các nhà máy ô tô tại Việt Nam theo thiết kế khoảng 755.000 xe/năm, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 35%, doanh nghiệp trong nước chiếm khoảng 65%, đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xe dưới 9 chỗ trong nước. Đến năm 2025, dự kiến nhu cầu thị trường trong nước đạt khoảng 800 đến 900 nghìn xe/năm.

Thực tế thị trường ô tô các tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024, doanh số toàn thị trường ô tô 3 tháng đầu năm 2024 (bao gồm cả xe du lịch và xe thương mại) sụt giảm đáng kể. Theo báo cáo bán hàng của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số bán hàng các doanh nghiệp thuộc VAMA đạt 58.165 xe, giảm 17% so với cùng kỳ năm 2023.

Để góp phần kích thích tiêu dùng, hỗ trợ tài chính cho người dân, doanh nghiệp, tạo đà để phục hồi tăng trưởng cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước trước bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức, Bộ Tài chính cho rằng, việc tiếp tục thực hiện giảm mức thu LPTB đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước là một trong những giải pháp cần thiết.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính trình Chính phủ tiếp tục giảm 50% mức thu LPTB kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/1/2025. Từ ngày 1/2/2025 trở đi mức thu LPTB tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 10/2022/NĐ-CP ngày 15/01/2022 của Chính phủ.

Đánh giá tác động đối với thu NSNN, theo tính toán của Bộ Tài chính, tại thời điểm năm 2020 và năm 2022, theo đánh giá, số giảm thu NSNN về LPTB khoảng 5.238 tỷ đồng, số tăng thu NSNN về thuế TTĐB, thuế GTGT khoảng 5.200 tỷ đồng.

Việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước vào giai đoạn hiện nay thì việc tăng thu từ thuế TTĐB và thuế GTGT có thể sẽ không đủ để bù đắp cho việc giảm LPTB. Dự kiến, việc giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có thể làm giảm thu NSNN về LPTB bình quân khoảng 867 tỷ đồng/tháng (tương đương mức giảm theo Nghị định số 41/2023/NĐ-CP).

Ngoài ra, việc giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có thể tác động đến cân đối thu NSNN của các địa phương. Theo quy định của Luật NSNN, khoản thu LPTB thuộc ngân sách địa phương. Việc giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô, sản xuất lắp ráp trong nước khả năng sẽ làm tăng số lượng xe ô tô tiêu thụ và đăng ký nên số thu từ LPTB, thuế TTĐB, thuế GTGT có thể tăng.

Tuy nhiên, số thu thực tế từ thuế TTĐB và thuế GTGT chỉ tập trung ở 8 địa phương nơi có các công ty sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, còn các địa phương khác đều giảm thu ngân sách địa phương từ chính sách này. Do đó, địa phương đã có yêu cầu ngân sách trung ương cấp bù khoản hụt thu này để đảm bảo cân đối ngân sách địa phương./.

 
26/06/2024

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh vừa ký ban hành Công văn số 3217/UBND-TTHC chỉ đạo về sử dụng thẻ Căn cước công dân điện tử được tích hợp trên ứng dụng VNeID để làm các thủ tục phục vụ công tác dự thi của ngành giáo dục.

 

 

Theo quy định tại khoản 5, Điều 13 Nghị định số 59/2022/NĐ-CP ngày 05/9/2022 của Chính phủ về định danh và xác thực điện tử đã nêu rõ: “Việc sử dụng tài khoản định danh điện tử mức 2 được tạo lập bởi hệ thống định danh và xác thực điện tử đối với chủ thể danh tính điện tử là công dân Việt Nam có giá trị tương đương như việc sử dụng thẻ Căn cước công dân; có giá trị cung cấp thông tin trong các loại giấy tờ của công dân đã được đồng bộ vào tài khoản định danh điện tử để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối chiếu khi thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình giấy tờ đó” và điểm b khoản 2 Điều 14 Nghị định số 104/2022/NĐ-CP ngày 21/12/2022 của Chính phủ về việc điều chỉnh một số quy định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính đã nêu rõ việc khai thác, sử dụng thông tin về cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được thực hiện theo phương thức: “Tra cứu thông tin cá nhân thông qua tài khoản định danh và xác thực điện tử của công dân được hiển thị trong ứng dụng VNeID”.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của cơ quan báo chí (báo điện tử VnExpress.net) phản ánh tại kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, có 02 thí sinh sử dụng thẻ Căn cước công dân điện tử được tích hợp trên ứng dụng VNeID để làm các thủ tục nhưng không được vào phòng thi do quy chế nhà trường không chấp nhận.

Để đảm bảo thực hiện đúng các quy định của pháp luật về định danh và xác thực điện tử, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị và địa phương tiếp tục tổ chức phổ biến quán triệt Nghị định số 59, Nghị định số 104 và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện của các cấp cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị nhằm đẩy mạnh ứng dụng định danh và xác thực điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính và các hoạt động công tác khác; tuyên truyền, khuyến khích người dân sử dụng Căn cước công dân điện tử được tích hợp trên ứng dụng VNeID để thực hiện các thủ tục hành chính góp phần phát triển ứng dụng, thụ hưởng các tiện ích của tài khoản định danh và xác thực điện tử.

Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh đảm bảo tuân thủ đúng quy định tại Nghị định số 59, Nghị định số 104 và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện của các cấp trong ban hành quy chế tuyển sinh và các cuộc thi.

Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục liên quan tiến hành rà soát các quy chế thi đã được ban hành, trường hợp phát hiện chưa đảm bảo phải điều chỉnh theo thẩm quyền hoặc tham mưu, kiến nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh đảm bảo đúng quy định pháp luật, không để xảy ra trường hợp thí sinh sử dụng Căn cước công dân điện tử được tích hợp trên ứng dụng VNeID xuất trình thay thế thẻ Căn cước công dân thông thường nhưng không được chấp nhận, góp phần đẩy mạnh ứng dụng tiện ích của định danh và xác thực điện tử trong các hoạt động giáo dục.

Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng Công an cấp huyện, cấp xã ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc Thiết bị xác minh di động để hỗ trợ các cơ sở giáo dục trên địa bàn xác minh nhân thân của thí sinh trong trường hợp cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho các thí sinh; đảm bảo các kỳ thi diễn ra an toàn, đúng quy định.              

24/06/2024

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn vừa ký Quyết định số 743/QĐ-UBND ban hành Quy chế hoạt động của Đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng tỉnh Quảng Ngãi.

 

Đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng tỉnh Quảng Ngãi tham gia diễn tập

Đội ứng cứu sự cố có chức năng giám sát, kiểm tra, thực hiện các hoạt động ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh, phối hợp giám sát, kiểm tra, thực hiện các hoạt động ứng cứu cho các cơ quan Đảng, Đoàn thể, cảnh báo kịp thời các vấn đề an toàn, an ninh thông tin; triển khai thực hiện các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn an ninh thông tin; phối hợp, xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn thông tin mạng trên địa bàn tỉnh; là đầu mối thực hiện hợp tác với các tổ chức An toàn thông tin mạng Quốc gia, Cục An toàn thông tin, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam khu vực miền Trung, Cụm thành viên mạng lưới ứng cứu sự cố số 5.

Đội ứng cứu sự cố tỉnh Quảng Ngãi gồm có Đội trưởng, các Đội phó, Cơ quan thường trực Đội ứng cứu và các thành viên Đội ứng cứu.

Nhiệm vụ của Đội ứng cứu sự cố gồm: Lập và tổ chức thực hiện phương án xử lý khi có sự cố an toàn thông tin mạng trên địa bàn tỉnh; tổ chức, điều phối, hỗ trợ các cơ quan Đảng, đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước của tỉnh; phối hợp các cơ quan Trung ương trên địa bàn tỉnh trong công tác ứng cứu sự cố về máy tính và an toàn thông tin.

Thực hiện trách nhiệm thành viên đầu mối của tỉnh trong mạng lưới ứng cứu sự cố máy tính trên toàn quốc: liên kết, phối hợp với các bộ phận ứng cứu sự cố máy tính tại các tỉnh, thành phố khác và cơ quan điều phối, ứng cứu sự cố quốc gia.

Đội ứng cứu sự cố được quyền truy cập vào hệ thống mạng, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, dữ liệu nhật ký, log file của máy trạm, máy chủ của đơn vị bị tấn công mạng để phân tích, tìm hiểu nguyên nhân và đề xuất giải pháp khắc phục sự cố mất an toàn thông tin; việc thực hiện này được đặt dưới sự giám sát của đơn vị bị sự cố.

Cơ quan thường trực Đội ứng cứu sự cố có quyền điều động đột xuất các thành viên để thực hiện ứng cứu khi có sự cố xảy ra. Đối với mỗi sự cố cụ thể, cơ quan thường trực sẽ có sự điều động phù hợp để tổ chức ứng cứu.

Tham gia các khóa huấn luyện, diễn tập năng lực và phát triển nhân lực Đội ứng cứu sự cố. Tham gia hoạt động ứng cứu khẩn cấp sự cố an toàn thông tin mạng quốc gia khi có yêu cầu từ Bộ Thông tin và Truyền thông hoặc Cơ quan điều phối quốc gia về ứng cứu sự cố - VNCERT/CC, thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông.

Tham gia các hoạt động của Mạng lưới ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng quốc gia; tham gia hoạt động phòng, chống chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng khi có yêu cầu của cơ quan chức năng.

Đối với hoạt động điều phối, ứng cứu sự cố quy định về danh mục các hoạt động nghiệp vụ; phân loại sự cố; tiếp nhận và xử lý thông báo, báo cáo sự cố; quy trình ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng; ứng cứu sự cố; đều phối ứng cứu sự cố; phát triển nguồn nhân lực Đội ứng cứu sự cố.

20/06/2024

Dịch vụ thanh toán điện tử của các ngân hàng thương mại (NHTM) đang mở ra nhiều cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp, trường đại học nhằm cạnh tranh thu hút khách hàng, mở rộng thị phần.
 

Theo TS. Hoàng Nguyên Khai, trường ĐH Công nghệ TP HCM – HUTECH, chúng ta có thể tiên đoán được các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tiện ích và hiện đại sẽ bị thay thế dựa trên tốc độ phát triển của công nghệ và những thành tựu mới nhất của kỹ thuật số.

Gợi mở những hợp tác

Thanh toán điện tử qua ngân hàng sẽ nhanh chóng thay thế các phương tiện thanh toán truyền thống, như tiền mặt, séc, thẻ tín dụng và ATM trong một số năm tới. Giữa các ngân hàng có nhu cầu cấp bách ứng dụng công nghệ số vào các dịch vụ tài chính tiện ích, hiện đại, an toàn để cung cấp cho khách hàng và các doanh nghiệp cung cấp giải pháp công nghệ số. Trong số đó có tỷ trọng khá là các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) hướng đến tham gia, thực hiện hợp đồng cung cấp giải pháp công nghệ, ứng dụng, vận hành.

Hợp đồng và văn bản bằng giấy sẽ bị thay thế tác động lớn đến quản lý rủi ro và quản lý hồ sơ trong ngân hàng. Sự ra đời của chữ ký số đã hình thành một giải pháp mới cho các doanh nghiệp nói chung, trong đó có cộng đồng ngân hàng – tài chính, đó là ký kết hợp đồng thông qua công nghệ điện toán đám mây. Đây là một thị trường đầy tiềm năng, một “mảnh đất màu mỡ” cho doanh nghiệp KNĐMST. Các doanh nghiệp KNĐMST có thể chủ động cung cấp giải pháp này cho các hoạt động kinh doanh dịch vụ nói chung và dịch vụ ngân hàng số nói riêng.

Việt Nam vẫn đang cố gắng phát triển thị trường thẻ, đây được coi là lĩnh vực cạnh tranh mạnh mẽ giữa các NHTM hiện nay. Tuy nhiên để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng thì phía các NHTM hợp tác và hình thành hệ sinh thái với DN KNĐMST cần có thêm nhiều giải pháp cụ thể về an ninh, bảo mật, đảm bảo an toàn các giao dịch của khách hàng, thường xuyên bảo trì hệ thống mạng và hệ thống máy ATM...

Khuyến nghị giải pháp

TS. Hoàng Nguyên Khai đã chỉ ra một số cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ thông tin và ngành ngân hàng trong phát triển ngân hàng số.

Một là, các NHTM cần chủ động chia sẻ thông tin, hợp tác hình thành hệ sinh thái với các doanh nghiệp KNĐMST của Việt Nam, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đưa ra các giải pháp phù hợp thực tiễn Việt Nam trong phòng chống các hành vi, thủ đoạn mới của tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng số.

Hai là, các NHTM cần hợp tác hình thành hệ sinh thái với các doanh nghiệp KNĐMST có giải pháp công nghệ phù hợp thường xuyên cập nhật biện pháp ngăn chặn rủi ro dịch vụ thẻ, dịch vụ thanh toán điện tử trên thiết bị di động tại thị trường Việt Nam.

Ba là, các NHTM cần hợp tác hình thành hệ sinh thái với các doanh nghiệp KNĐMST, định kỳ tăng tính bảo mật, an toàn trong thanh toán qua thẻ ngân hàng, thanh toán điện tử dựa trên nền tảng công nghệ số.

Bốn là, các NHTM cần chủ động hơn nữa trong phối hợp, hình thành hệ sinh thái với doanh nghiệp KNĐMST nắm bắt những sản phẩm và dịch vụ ngân hàng số tiện ích mới xuất hiện trên thế giới, đầu tư ứng dụng vào ngân hàng mình.

Năm là, cần hình thành hệ sinh thái giữa doanh nghiệp KNĐMST của Việt Nam với các ngân hàng Việt Nam để đưa ra các giải pháp công nghệ nhận diện, phát hiện kịp thời các loại hình rủi ro trong hoạt động thẻ, đảm bảo an toàn hoạt động thanh toán.

Nguồn: https://diendandoanhnghiep.vn/

20/06/2024

Chi tiết theo tập tin đính kèm 10/06/2024

Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước gửi Bộ Tư pháp thẩm định. Bộ Tài chính đề xuất gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 6, tháng 7, tháng 8 và tháng 9/2024. Thời gian gia hạn từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế đến hết ngày 20/11/2024.

Hỗ trợ thời điểm doanh nghiệp gặp khó

Đề xuất nêu trên của Bộ Tài chính thực hiện Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 5/4/2024 của Chính phủ có giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương: "Khẩn trương nghiên cứu, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/4/2024 xem xét ban hành quy định gia hạn thuế (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước,...)".

Bộ Tài chính đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô trong nước
Sản xuất lắp ráp ô tô trong nước. Ảnh TL

Theo Bộ Tài chính, trong những năm gần đây, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều biến động, bất ổn, từ đó tác động đến các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trong nước.

Đề xuất nghị định có hiệu lực từ ngày ký

Bộ Tài chính cho rằng, đây là giải pháp cấp bách cần ban hành ngay và cho phép nghị định có hiệu lực từ ngày ký cho đến hết ngày 31/12/2024.

Đối với ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong bối cảnh suy thoái kinh tế cũng phải đối mặt với tình trạng doanh số bán hàng sụt giảm, phải điều chỉnh giảm sản lượng.

Về tình hình tiêu thụ xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, tháng 1/2024 là: 12.842 xe; tháng 2 và 3 lần lượt là 11.261 xe và 18.388 xe. Như vậy, sản lượng bình quân 1 tháng trong 3 tháng đầu năm 2024 là 14.163 xe/tháng.

Trong giai đoạn phục hồi sản xuất, kinh doanh, dự đoán trong năm 2024, thị trường ô tô nói riêng và toàn nền kinh tế Việt Nam nói chung còn phải ứng phó với những tác động tiêu cực khác do khủng hoảng kinh tế và xung đột địa chính trị toàn cầu, đặc biệt trở nên căng thẳng từ sau giai đoạn dịch bệnh.

Theo Bộ Tài chính, nếu chỉ dựa vào nguồn lực và các giải pháp kích cầu riêng lẻ của từng doanh nghiệp, sẽ là không đủ để tạo ra sự ổn định trong việc duy trì sản lượng và doanh số bán hàng và sức bật giúp thị trường tăng trưởng trở lại, đồng đều và bền vững.

Do những khó khăn, thách thức nêu trên, Bộ Tài chính cho rằng, việc tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh là cần thiết. Hơn nữa, hết thời gian gia hạn, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô phải nộp đủ số thuế vào ngân sách nhà nước.

Gia hạn thuế không ảnh hưởng tới nguồn thu

Từ những phân tích kể trên, Bộ Tài chính đề xuất gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 6, tháng 7, tháng 8 và tháng 9/2024 đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước. Thời gian gia hạn kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của pháp luật về quản lý thuế đến hết ngày 20/11/2024.                                        Nguồn: TBTCO 

26/05/2024

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định số 412/QĐ-TTg ngày 14/5/2024 phê duyệt Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tài chính giai đoạn 2024-2025.

Quyết định số 412/QĐ-TTg cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến 6 ngành nghề kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tài chính giai đoạn 2024-2025 gồm: Dịch vụ kế toán; dịch vụ thẩm định giá; lĩnh vực tài chính ngân hàng; lĩnh vực thuế; lĩnh vực hải quan; lĩnh vực chứng khoán.

Đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc quản lý của Bộ Tài chính
Ảnh minh họa.

Cụ thể, để đẩy mạnh số hóa, cắt giảm thành phần hồ sơ trên cơ sở khai thác thông tin từ cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện, Quyết định số 412/QĐ-TTg đã bãi bỏ trường thông tin ngày cấp, nơi cấp giấy tờ công dân tại mẫu đơn đề nghị cấp, cấp lại giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán...

Đối với thủ tục: cấp, cấp lại, điều chỉnh, gia hạn Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đặt cược đua ngựa, đặt cược đua chó; cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đặt cược bóng đá quốc tế, bỏ quy định về thành phần hồ sơ "Phiếu lý lịch tư pháp đối với người quản lý, điều hành doanh nghiệp" nhằm cắt giảm thành phần hồ sơ là bản sao phiếu lý lịch tư pháp để phù hợp với quy định về tiêu chuẩn và điều kiện đối với người quản lý, điều hành doanh nghiệp, giúp giảm thời gian, chi phí cho cá nhân, tổ chức.

Quyết định số 412/QĐ-TTg bổ sung phương thức thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử đối với thủ tục hành chính liên quan đến giảm thuế thu nhập cá nhân, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh gặp khó khăn do thiên tai, hoả hoạn, do bị tai nạn, mắc bệnh hiểm nghèo.

Đối với ngành nghề kinh doanh thuộc lĩnh vực hải quan, Quyết định số 412/QĐ-TTg đơn giản hoá điều kiện thực hiện thủ tục công nhận doanh nghiệp ưu tiên theo hướng giảm yêu cầu về kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu trong năm đối với chủ thể là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Hiện nay, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm trên 97% số doanh nghiệp cả nước. Việc giảm yêu cầu về kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu trong năm, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được công nhận là doanh nghiệp ưu tiên, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp rút ngắn thời gian thông quan hàng hoá, nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng.../.        Nguồn: TBTCO

16/05/2024

Mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 24/2024/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán hành chính sự nghiệp. Thông tư có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 và áp dụng từ năm tài chính 2025.

Thông tư số 24/2024/TT-BTC hướng dẫn các nội dung gồm: chứng từ kế toán, tài khoản kế toán, báo cáo quyết toán kinh phí hoạt động, báo cáo tài chính; quy trình in, sắp xếp, đóng để lưu trữ tài liệu kế toán, đặc biệt hướng dẫn chi tiết các nội dung liên quan tới sổ kế toán.

Theo quy định, sổ kế toán phải được mở vào đầu kỳ kế toán năm hoặc ngay sau khi có quyết định thành lập đơn vị.

Hướng dẫn mới về chế độ kế toán hành chính sự nghiệp

Thông tư số 24/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 và áp dụng từ năm tài chính 2025. Ảnh: K.H

Sổ kế toán được mở đầu kỳ kế toán năm mới để chuyển thông tin, số liệu từ sổ kế toán năm cũ sang và ghi ngay nghiệp vụ kinh tế, tài chính mới phát sinh thuộc năm mới từ ngày 1/1 của năm tài chính, ngân sách mới.

Trên sổ kế toán của đơn vị kế toán phải thể hiện tên đơn vị kế toán lập sổ, tên sổ kế toán và ký hiệu sổ; ngày, tháng, năm lập sổ kế toán; phải có đầy đủ chữ ký của nhân viên kế toán lập sổ, kế toán trưởng hoặc phụ trách kế toán của đơn vị.

Trên sổ kế toán của đơn vị hạch toán phụ thuộc phải thể hiện tên đơn vị, tên sổ kế toán và ký hiệu sổ; ngày, tháng, năm lập sổ kế toán; phải có đầy đủ chữ ký của người được giao làm công việc kế toán.

Đối với các sổ kế toán tài khoản ngoài bảng theo dõi tiếp nhận và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước cấp trong nước; kinh phí viện trợ nước ngoài, kinh phí vay nợ nước ngoài theo dự án; kinh phí từ tiền thu phí được khấu trừ, để lại và kinh phí từ hoạt động nghiệp vụ phải quyết toán số đã sử dụng theo mục lục ngân sách nhà nước, sau ngày 31/12 phải giữ nguyên số liệu thuộc năm trước để tiếp tục theo dõi, điều chỉnh số liệu trong thời gian quyết toán theo quy định. Đơn vị mở sổ kế toán để hạch toán các phát sinh mới thuộc năm sau phù hợp với niên độ quyết toán theo quy định.

Các thông tin, dữ liệu của sổ kế toán trên phần mềm kế toán phải đảm bảo đầy đủ các nội dung của sổ kế toán theo quy định của pháp luật về kế toán và quy định tại Thông tư số 24/2024/TT-BTC.

Trường hợp mở sổ kế toán thủ công, đơn vị phải hoàn thiện thủ tục pháp lý của sổ kế toán như sau: Sổ kế toán phải được đóng thành quyển, ngoài bìa (góc trên bên trái) phải ghi tên đơn vị ghi sổ kế toán, giữa bìa ghi tên sổ, ngày, tháng năm lập sổ, ngày, tháng, năm khoá sổ, họ tên và chữ ký của những người có liên quan theo quy định của pháp luật kế toán, đóng dấu; ngày, tháng, năm kết thúc ghi sổ hoặc ngày bàn giao sổ cho người khác.

Các trang sổ kế toán phải đánh số trang liên tục từ trang một đến hết trang sổ cuối cùng, giữa hai trang sổ phải đóng dấu giáp lai của đơn vị.                               Nguồn: TBTCO

26/04/2024

Theo số liệu báo cáo của Kho bạc Nhà nước Quảng Ngãi, tính đến ngày 31/01/2024, tổng số dư nợ tạm ứng nguồn vốn tỉnh quản lý là 1.903.315,930 triệu đồng, trong đó tổng số dư nợ tạm ứng quá hạn là 190.656,944 triệu đồng, chiếm 10% trên tổng số dư nợ tạm ứng (gồm: dự án do sở, ban ngành quản lý 88.863,878 triệu đồng, gồm 32 dự án/11 chủ đầu tư; dự án do UBND cấp huyện quản lý 101.793,066 triệu đồng, gồm 18 dự án/9 chủ đầu tư). Nguyên nhân quá hạn: (1)Nhóm nguyên nhân do chủ đầu tư/ban quản lý dự án giải thể là 364,281 triệu đồng, chiếm 0,19%; (2)Nhóm nguyên nhân do nhà thầu phá sản là 16.893,863 triệu đồng, chiếm 8,86%; (3)Nhóm nguyên nhân do dự án đình hoãn không thực hiện là 9.495,078 triệu đồng, chiếm 4,98%; (4)Nhóm nguyên nhân khác là 163.904,027 triệu đồng, chiếm 85,97%.

Trước tình hình này, Sở Tài chính Quảng Ngãi đã báo cáo và tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo đôn đốc, thu hồi nợ tạm ứng quá hạn tại Công văn số 1643/UBND-KTTH ngày 02/4/2024, theo đó:

- Yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương có dư nợ tạm ứng quá hạn tập trung chỉ đạo chủ đầu tư dự án:

+ Thực hiện tạm ứng và thu hồi tạm ứng vốn đầu tư đảm bảo đúng quy định tại Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công.

+ Nghiêm túc triển khai thực hiện công tác thu hồi nợ tạm ứng quá hạn theo nội dung chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Công văn số 6125/UBND-KTTH ngày 04/12/2023.

+ Chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc thu hồi nợ tạm ứng quá hạn.

- Yêu cầu KBNN Quảng Ngãi:

+ Thực hiện tạm ứng và thu hồi tạm ứng vốn đầu tư đảm bảo đúng quy định tại Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công.

+ Triển khai thực hiện có hiệu quả công tác thu hồi nợ tạm ứng quá hạn theo nội dung chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Công văn số 6125/UBND-KTTH ngày 04/12/2023, trong đó lưu ý có nội dung yêu cầu KBNN trích tài khoản tiền gửi của chủ đầu tư để thu về ngân sách nhà nước.

+ Thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở các chủ đầu tư kịp thời thanh toán hoàn ứng, tránh để dư nợ tạm ứng lớn dễ dẫn đến quá hạn; kịp thời có biện pháp xử lý đối với các chủ đầu tư để phát sinh nợ tạm ứng quá hạn./.        V.T.X.Diệu.

22/04/2024

Sở Tài chính Quảng Ngãi vừa có văn bản công khai kết quả giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công đến ngày 31/3/2024 tại Công văn số 1193/STC-TCĐT ngày 11/4/2024, theo đó nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện công tác giải ngân chưa đảm bảo kế hoạch đề ra.

Theo số liệu thống kê từ Sở Tài chính tỉnh Quảng Ngãi đến ngày 31/3/2024, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 được UBND tỉnh giao cho các cơ quan, đơn vị, địa phương 6.256,693 tỷ đồng, trong đó: vốn giao đầu năm 5.758,052 tỷ đồng (gồm: vốn địa phương 4.503,930 tỷ đồng, vốn trung ương 1.254,122 tỷ đồng); vốn bổ sung ngoài kế hoạch 192,307 tỷ đồng (gồm: vốn trung ương 150 tỷ đồng, huyện và xã giao tăng 42,307 tỷ đồng); vốn kéo dài 306,334 tỷ đồng (vốn trung ương). Lũy kế giải ngân đến ngày 31/3/2024 là 461,097 tỷ đồng, đạt 7,4% so với kế hoạch vốn giao, trong đó: Vốn giao đầu năm 438,464 tỷ đồng, đạt 7,6% kế hoạch vốn giao; vốn bổ sung ngoài kế hoạch 22,233 tỷ đồng, đạt 11,6% kế hoạch vốn giao; vốn kéo dài 0,004 tỷ đồng, đạt 0,1% kế hoạch vốn giao.

Qua số liệu giải ngân vốn đầu tư công nêu trên cho thấy tỷ lệ giải ngân 3 tháng đầu năm chưa đạt kế hoạch đề ra, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (8,6%). Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, Sở Tài chính kính đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 03/01/2024 về việc đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024./.        V.T.X.Diệu.

22/04/2024

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 3288

Tổng số lượt xem: 1208373