Truy cập nội dung luôn
SỞ TÀI CHÍNH

TỈNH QUẢNG NGÃI

Bộ Tài chính tạo đột phá trong cải cách hành chính chuyển đổi số

17/07/2023 11:00    15

Bộ Tài chính tạo đột phá trong cải cách hành chính chuyển đổi số

Bộ Tài chính xác định đẩy mạnh cải cách hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) là ưu tiên hàng đầu trong quá trình xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, để tạo điều kiện thuận lợi, tiết giảm chi phí hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Các thủ tục hành chính (TTHC) thuộc phạm vi giải quyết của Bộ Tài chính đã được cung cấp DVCTT. Đến ngày 30/6/2023, tổng số DVCTT thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính là 786, trong đó có 408 DVCTT một phần (tương đương đạt mức độ 1, 2 theo quy định cũ) và 378 DVCTT toàn trình (tương đương đạt mức độ 3, 4).

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đặc biệt quan tâm đến công tác chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trên tất cả các lĩnh vực của ngành Tài chính. Ảnh: QM.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đặc biệt quan tâm đến công tác chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trên tất cả các lĩnh vực của ngành Tài chính. Ảnh: QM.

 

Đẩy mạnh cải cách hành chính

Bộ Tài chính đã xây dựng và ban hành Kế hoạch cải cách hành chính (CCHC) năm 2023 với những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng nhằm tiếp tục đẩy mạnh và triển khai có hiệu quả công tác CCHC trong lĩnh vực tài chính (Quyết định số 2731/QĐ-BTC ngày 23/12/2022); trong đó tiếp tục bám sát 07 nội dung của yêu cầu công tác CCHC, đề ra 59 nhóm nhiệm vụ với 150 sản phẩm/hoạt động đầu ra cụ thể, xác định rõ căn cứ, trách nhiệm của từng đơn vị chủ trì, phối hợp cũng như quy định tiến độ thực hiện rõ ràng.

Trong 6 tháng đầu, Bộ Tài chính đã triển khai 122/150 nhiệm vụ theo Kế hoạch, trong đó, đã hoàn thành 34 nhiệm vụ, triển khai 53 nhiệm vụ thường xuyên có hiệu quả và đảm bảo tiến độ, đang tiếp tục thực hiện 35 nhiệm vụ theo Kế hoạch; rà soát, bãi bỏ 10 thủ tục hành chính (TTHC); sửa đổi, bổ sung, thay thế 21 thủ tục và ban hành mới 03 thủ tục trong các lĩnh vực quản lý; cập nhật kịp thời lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC theo quy định đối với 794/794 TTHC thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính; đồng thời, tiếp tục rà soát, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa quy định về hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi quản lý theo yêu cầu tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ.

Theo kết quả công bố tại phiên họp ngày 19/4/2023 về cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số và công bố Chỉ số CCHC năm 2022 của các bộ, ngành, địa phương và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2022, Bộ Tài chính xếp vị trí thứ 3 với kết quả Chỉ số CCHC đạt 89,76%. Đây là năm thứ 9 liên tiếp (từ 2014 - 2022), Bộ Tài chính nằm trong nhóm 3 bộ, cơ quan ngang bộ dẫn đầu về PAR Index.

Xây dựng Chính phủ điện tử

Trong 6 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã tập trung chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh chuyển đổi số, hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực quản lý tài chính – ngân sách nhà nước.

Đến ngày 30/6/2023, tổng số dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính là 786, trong đó có 408 DVCTT một phần (tương đương đạt mức độ 1, 2 theo quy định cũ) và 378 DVCTT toàn trình (tương đương đạt mức độ 3, 4). Đồng thời, đã tích hợp 300 DVCTT lên Cổng dịch vụ công quốc gia; trong đó lĩnh vực thuế 101 DVCTT, lĩnh vực hải quan 98 DVCTT, lĩnh vực KBNN 09 DVCTT, lĩnh vực chứng khoán 36 DVCTT, lĩnh vực tài chính chung 56 DVCTT.

Ngoài ra, Bộ Tài chính vừa công bố Quyết định số 1162/QĐ-BTC ngày 08/6/2023 về việc ban hành kế hoạch hành động nâng cao chất lượng và hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Bộ Tài chính năm 2023.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính tiếp tục mở rộng phạm vi triển khai hệ thống thuế điện tử đối với các dịch vụ khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử, hóa đơn điện tử. Trong 6 tháng đầu năm 2023, ngành Thuế đã xử lý trên 9 triệu hồ sơ của 901,8 nghìn doanh nghiệp tham gia hệ thống khai thuế điện tử (đạt 99,93%); nộp vào NSNN trên 435,6 nghìn tỷ đồng và 4,8 triệu USD tiền thuế của 893,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thực hiện nộp thuế điện tử (đạt tỷ lệ 99,06%) thông qua 57 ngân hàng thương mại; số lượng hóa đơn điện tử cơ quan thuế đã tiếp nhận và xử lý đạt hơn 4,2 tỷ hóa đơn; đã có 21,4 nghìn doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền; đã có 54 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, kê khai thuế thành công.

Thực hiện thủ tục hải quan điện tử tại tất cả các đơn vị hải quan thông qua hệ thống VNACSS/VCIS; triển khai cổng thanh toán điện tử tại tất cả các Cục hải quan; triển khai hệ thống tiếp nhận, xử lý thông tin khai hàng hóa điện tử (e-Manifest) tại các cảng biển,... Kết nối 13/14 bộ, ngành, với 250 thủ tục hành chính được thực hiện qua Cơ chế một cửa quốc gia và trên 62 nghìn doanh nghiệp tham gia. Trao đổi chứng nhận xuất xứ (C/O) điện tử mẫu D với 9 nước trong khu vực ASEAN qua Cơ chế một cửa ASEAN. Triển khai kết nối trao đổi tờ khai hải quan ASEAN theo đúng kế hoạch.

Bên cạnh đó, đã hoàn thành trao đổi thử nghiệm tờ khai hải quan xuất khẩu với Liên minh kinh tế Á - Âu; ký kết Biên bản ghi nhớ về hệ thống trao đổi dữ liệu xuất xứ điện tử (EODES) với Bộ Công Thương và Tổng cục Hải quan Hàn Quốc, tiếp tục hoàn thiện các vấn đề kỹ thuật để trao đổi thông tin C/O điện tử với Hàn Quốc; phối hợp với Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn và Đại sứ quán New Zealand để triển khai trao đổi thử nghiệm chứng nhận kiểm dịch điện tử với New Zealand.

Đối với lĩnh vực Kho bạc Nhà nước (KBNN), 100% TTHC đạt mức dịch vụ công toàn trình, được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia; hoạt động giao dịch với KBNN 24/7 (kể cả ngày nghỉ, ngày lễ) với số lượng giao dịch hồ sơ chứng từ chi NSNN phát sinh qua DVCTT đạt trên 99,6% lượng chứng từ chi của toàn quốc trên TABMIS. Tiếp tục triển khai các giải pháp để mở rộng phối hợp thu NSNN và thanh toán song phương điện tử (TTSPĐT) với các ngân hàng thương mại (NHTM); KBNN đã ký thỏa thuận với 20 NHTM, kết nối TTSPĐT với 15 NHTM và đang tiếp tục phối hợp với các NHTM còn lại để triển khai thực hiện.

Chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Bộ Tài chính tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ, Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 1874/QĐ-BTC về kế hoạch hành động của Bộ Tài chính thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 1484/QĐ-BTC ngày 27/7/2022 về Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Tài chính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Có thể kể đến một số kết quả cụ thể như sau: Bộ Tài chính tiếp tục triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số của ngành Tài chính trong năm 2023 theo Quyết định số 776/QĐ-BTC ngày 12/4/2023 với mục tiêu tập trung chỉ đạo, điều phối các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số và xã hội số, ưu tiên nguồn lực để đạt được các chỉ tiêu quan trọng của Chính phủ nói chung và Bộ Tài chính nói riêng.

Ngoài ra, ngày 13/01/2023, Bộ Tài chính đã có công văn số 420/BTC-THTK về việc tham gia ý kiến đối với dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển dữ liệu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và chuyển đổi số quốc gia.

Bộ Tài chính tiếp tục vận hành đảm bảo hoạt động ổn định của hệ thống kết nối chia sẻ dữ liệu số ngành Tài chính, trục liên thông văn bản điện tử ngành Tài chính, đã ban hành kế hoạch thuê dịch vụ nền tảng chia sẻ, tích hợp dữ liệu dùng chung ngành Tài chính phục vụ Tài chính điện tử hướng tới Tài chính số.

Chương trình Quản lý văn bản và điều hành (chương trình eDocTC) phục vụ công tác điều hành, xử lý tác nghiệp văn bản điện tử trên môi trường mạng áp dụng chữ số điện tử tại tất cả các cấp từ ngày 01/01/2022. Chương trình được triển khai áp dụng cho tất cả cán bộ, công chức của đơn vị cho các đơn vị tại trụ sở cơ quan Bộ (gồm 25 đơn vị) và 04 đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ.

Bộ Tài chính đã triển khai thí điểm chuyển đổi thành công từ Ipv4 sang Ipv6 đối với ứng dụng Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính. Trên cơ sở kết quả triển khai thí điểm, hiện nay Bộ Tài chính đang xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể việc chuyển đổi từ Ipv4 sang Ipv6 đối với các ứng dụng của Bộ Tài chính. Đồng thời, Bộ Tài chính đã triển khai công nghệ điện toán đám mây và đáp ứng đầy đủ các chỉ tiêu kỹ thuật theo quy định, sẵn sàng kết nối với điện toán đám mây Chính phủ ngay sau khi Chính phủ triển khai.

Ngoài ra, Bộ Tài chính tiếp tục rà soát dữ liệu và hỗ trợ các đơn vị vận hành, sử dụng phần mềm quản lý cán bộ. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đang triển khai, kết nối giữa cơ sở dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức của Bộ Tài chính (phần mềm quản lý cán bộ) với cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức theo yêu cầu tại Thông tư số 06/2023/TT-BNV ngày 05/5/2023 và Quyết định số 356/QĐ-BNV ngày 17/5/2023 của Bộ Nội vụ.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã triển khai hệ thống thử nghiệm thông tin báo cáo kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ từ năm 2020. Đến nay, Hệ thống thông tin báo cáo thử nghiệm đã xây dựng, đã có 93 chế độ báo cáo định kỳ do Bộ Tài chính phải thực hiện, hoàn thành cung cấp xây dựng 15 chỉ tiêu kinh tế vĩ mô theo Quyết định số 293/QĐ-TTg ngày 24/01/2020 của Thủ tướng chính phủ, một số chỉ tiêu điều hành hằng ngày quan trọng như thu NSNN, chứng khoán, thuế, hải quan,... đáp ứng công tác điều hành của Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng như cung cấp dữ liệu đầy đủ lên hệ thống thông tin của Chính phủ, cung cấp thông tin kịp thời cho công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ.

Bộ Tài chính cũng đã ban hành Quyết định số 455/QĐ-BTC ngày 28/3/2023 về kế hoạch triển khai Đề án phát triển dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) của Bộ Tài chính.

Ngày 22/12/2022, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 75/2022/TT-BTC về việc quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí đăng ký cư trú. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn về đăng ký thuế đối với cá nhân khi triển khai sử dung số định danh cá nhân thay cho mã số thuế theo quy định tại khoản 7 Điều 35 Luật Quản lý thuế

Bộ Tài chính cho biết cơ sở dữ liệu (CSDL) về tài chính gồm 12 CSDL chuyên ngành, trong đó 09 CSDL đã hoàn thành triển khai, 03 CSDL đang tiếp tục thực hiện. Hiện nay, Bộ Tài chính đang triển khai sử dụng tài khoản định danh điện tử để đăng nhập, xác thực thông tin người nộp thuế trên các nền tảng của ngành Thuế, Hải quan.                                                                                                  VVan. Nguồn: mof.gov.vn

videofileclient videofileclient

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 1510

Tổng số lượt xem: 1161572