Truy cập nội dung luôn
SỞ TÀI CHÍNH

TỈNH QUẢNG NGÃI

“Đối tác cần đề xuất giải pháp tổng thể giúp ngành Tài chính ứng dụng CNTT hiệu quả”

22/07/2023 11:23    30

“Đối tác cần đề xuất giải pháp tổng thể giúp ngành Tài chính ứng dụng CNTT hiệu quả”

Đó là kiến nghị của chủ đầu tư tại Hội nghị đối tác Tin học và Thống kê Tài chính năm 2023 của Bộ Tài chính diễn ra giữa tháng 4/2023 tại Quảng Ninh. Hơn 250 đại biểu đến từ hơn 50 doanh nghiệp đối tác trong nước và nước ngoài đã, đang tham gia triển khai công tác ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và thống kê ngành Tài chính đã tham dự hội nghị. Đây là sự kiện thường niên, nhưng hội nghị năm nay gây ấn tượng mạnh đối với các khách tham dự không chỉ bởi quy mô, số lượng người tham dự, mà còn bởi những nội dung trao đổi, chia sẻ rất cởi mở, thẳng thẳn từ phía chủ đầu tư và các đối tác.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi phát biểu khai mạc Hội nghị đối tác Tin học và Thống kê Tài chính năm 2023. Ảnh: Quang Minh.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi phát biểu khai mạc Hội nghị đối tác Tin học và Thống kê Tài chính năm 2023. Ảnh: Quang Minh.

 

Ghi nhận đóng góp của đối tác

Báo cáo tại hội nghị, ông Hoàng Xuân Nam, Phó cục trưởng, Cục Tin học và Thống kê tài chính đã điểm qua kết quả triển khai ứng dụng CNTT năm 2022 của Bộ Tài chính. Theo đó, ngày 08/08/2022, tại phiên họp lần thứ 3 của Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố Báo cáo kết quả đánh giá mức độ chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh năm 2021 (DTI 2021). Theo kết quả xếp hạng, năm 2021, Bộ Tài chính tiếp tục xếp vị trí thứ nhất về mức độ chuyển đổi số năm 2021 khối các bộ, ngành cung cấp dịch vụ công... Đây là năm thứ hai liên tiếp (2020, 2021), Bộ Tài chính dẫn đầu về chuyển đổi số. Bộ Tài chính duy trì vị trí đứng đầu về DTI của các bộ cung cấp dịch vụ công với giá trị 0,6321 tăng so với năm 2020 (0,4944).

Năm 2022, hệ thống văn bản hoạch định chiến lược, chương trình hành động xây dựng Bộ Tài chính số cơ bản được ban hành đầy đủ. Tính đến hết năm 2022, Bộ Tài chính có 799 thủ tục hành chính (TTHC) còn hiệu lực, 100% TTHC của Bộ đã triển khai dịch vụ công trực tuyến; Bộ Tài chính đã tích hợp được 296/405 DVCTT mức độ 3, 4 lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Các hoạt động nhằm duy trì, đảm bảo an toàn thông tin mạng được các đơn vị trong ngành Tài chính thực hiện tốt, không để xảy ra sự cố mất an toàn thông tin. Các đơn vị cơ bản đã đảm bảo triển khai đủ 4 lớp an toàn thông tin theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ông Hoàng Xuân Nam, Phó cục trưởng, Cục Tin học và Thống kê tài chính điểm qua kết quả triển khai ứng dụng CNTT năm 2022 của Bộ Tài chính. Ảnh: Quang Minh.

Ông Hoàng Xuân Nam, Phó cục trưởng, Cục Tin học và Thống kê tài chính điểm qua kết quả triển khai ứng dụng CNTT năm 2022 của Bộ Tài chính. Ảnh: Quang Minh.

 

Ngành Tài chính đã tích cực triển khai các nhiệm vụ chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong các lĩnh vực, đạt nhiều kết quả tích cực, mang lại hiệu quả cho toàn xã hội góp phần rút ngắn thời gian làm thủ tục thuế, hải quan, kho bạc,... giảm thiểu giấy tờ, thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, người dân.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cảm ơn và biểu dương những nỗ lực, đóng góp của các hãng, các đối tác doanh nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) trong và ngoài nước đối với công tác triển khai ứng dụng CNTT của Bộ Tài chính trong thời gian vừa qua.

"Các đơn vị đối tác đã có những đóng góp đáng kể giúp cho Bộ Tài chính từng bước thực hiện tiến trình hiện đại hóa, trong đó ứng dụng CNTT đã thực hiện tốt nhiệm vụ là công cụ, giải pháp để giúp cho quá trình cải cách nghiệp vụ và các thủ tục hành chính trong ngành Tài chính ngày càng phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp" - Thứ trưởng phát biểu.

Trong năm 2022, các đơn vị thuộc Bộ Tài chính đã phối hợp với các đối tác triển khai khối lượng công việc rất lớn gồm 200 gói thầu về CNTT và thống kê.

Công tác hướng dẫn cơ chế chính sách đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất; hệ thống thông tin ngành Tài chính được duy trì hoạt động ổn định, liên tục; nhiều ứng dụng dịch vụ công đang được các đơn vị quản lý nhà nước, người dân và doanh nghiệp khai thác và sử dụng hiệu quả, đặc biệt là đối với lĩnh vực Thuế, Hải quan và Kho bạc.

Đồng thời, ban hành Kế hoạch 5 năm ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan Bộ Tài chính và các đơn vị: Tổng cục Thuế, Kho bạc Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Công tác an toàn, an ninh thông tin của Bộ Tài chính đã được các cấp lãnh đạo quan tâm đúng mức, tổ chức triển khai một cách bài bản và tương đối toàn diện, các hoạt động đảm bảo an toàn thông tin đã được tích hợp trong tất cả các công đoạn liên quan đến thông tin và hệ thống thông tin; thường xuyên thực hiện các hoạt động nhằm duy trì, đảm bảo an toàn thông tin trong toàn ngành...

Theo đánh giá của Cục Tin học và Thống kê tài chính, những kết quả nêu trên có sự đóng góp, phối hợp triển khai đồng bộ của các đối tác trong và ngoài nước, những đơn vị đã sát cánh cùng với Bộ Tài chính triển khai nhiều đề án, dự án quan trọng của ngành.

Đối với các đối tác triển khai ứng dụng CNTT trong ngành: các đối tác đã chủ động nghiên cứu, thường xuyên cập nhật thông tin liên quan đến ngành Tài chính (tổ chức, chức năng nhiệm vụ) và các chính sách nghiệp vụ của ngành tài chính để có sự hiểu biết cũng như có thể tiếp cận nhanh chóng, nắm bắt kịp thời bài toán nghiệp vụ và đề xuất phù hợp cho cơ quan quản lý khi tin học hóa các bài toán nghiệp vụ. Chủ động trao đổi, thảo luận với các đơn vị trong ngành để xác định cụ thể phương án triển khai, đảm bảo hiệu quả, chất lượng và tiến độ hợp đồng. Phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ hoàn thành nhiều nội dung đáp ứng yêu cầu của Bộ.

Phối hợp chặt chẽ với các hãng công nghệ thường xuyên cập nhật ứng dụng công nghệ tiên tiến để tư vấn, đề xuất giải pháp mới, phù hợp cho các đơn vị trong ngành Tài chính. Nhiều đối tác CNTT đã có sự hợp tác tốt, chặt chẽ với ngành Tài chính trong việc triển khai các ứng dụng CNTT đặc biệt là hỗ trợ đào tạo, tập huấn cho các cán bộ trong ngành, hỗ trợ xử lý vấn đề kỹ thuật, đảm bảo triển khai ứng dụng CNTT đồng bộ.

Các đối tác đã có sự ưu tiên đầu tư đội ngũ nhân sự, hạ tầng để cung cấp những dịch vụ ngày càng cao cho ngành Tài chính. Bên cạnh đó, các đối tác cũng tập trung vào nghiên cứu các công nghệ mới của cuộc CMCN 4.0 như Internet kết nối vạn vật - Internet of Things, chuỗi khối - Blockchain, thiết bị di động - Mobility, điện toán đám mây- Cloud, dữ liệu lớn - Bigdata với mô hình phân tích dữ liệu - Data analystics và trí tuệ nhân tạo - Artificial intelligence để đồng hành cùng ngành Tài chính xây dựng thành công Tài chính điện tử hướng tới Tài chính số.

Có thể nói các đơn vị đối tác đã có những đóng góp quan trọng trong quá trình triển khai ứng dụng CNTT của Bộ Tài chính thực hiện Chính phủ số, ngày càng phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp, giúp ngành Tài chính nhanh chóng tiếp cận Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, xây dựng Tài chính điện tử hướng tới Tài chính số.

Tồn tại hạn chế cần tiếp tục giải quyết

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong quá trình phối hợp triển khai giữa Bộ Tài chính và các đối tác vẫn còn một số tồn tại hạn chế cần tiếp tục giải quyết, cụ thể: Việc triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số đòi hỏi phải nhanh chóng, kịp thời tuy nhiên các cơ chế chính sách về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT và chuyển đổi số còn nhiều quy trình thủ tục (từ bước phê duyệt chủ trương, lập dự án, báo cáo nghiên cứu khả thi… cho đến lúc hoàn thành dự án), mất nhiều thời gian. Một dự án CNTT nếu nhanh thì triển khai thường mất 02 năm, nếu lâu có thể kéo dài đến 04 năm. Lúc triển khai xong dự án thì có thể đã có sự cập nhật về công nghệ.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Quang Minh.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Quang Minh.

 

Mặc dù, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn nghiên cứu triển khai ứng dụng các sản phẩm công nghệ số của cuộc CMCN 4.0, tuy nhiên về đơn giá, định mức cho các sản phẩm này chưa đầy đủ, theo đó công tác xây dựng dự toán còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, một số quy định về xây dựng dự toán, mua sắm, đấu thầu CNTT chỉ ở mức công văn hướng dẫn (Công văn 2589/BTTTT-ƯDCNTT ngày 24/8/2011 của Bộ TTTT về việc hướng dẫn xác định chi phí phát triển, nâng cấp phần mềm nội bộ,...), chưa là văn bản quy phạm pháp luật để có đủ căn cứ pháp lý thực hiện.

Do hệ thống đấu thầu quốc gia (ĐTQG) mới vẫn đang được chỉnh sửa, hoàn thiện, cho nên Bộ Tài chính và các đơn vị gặp khó khăn, vướng mắc khi tổ chức thực hiện đấu thầu trên hệ thống ĐTQG mới, cụ thể: Việc sử dụng chứng thư số, chữ ký số của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước khi tổ chức đấu thầu theo quy định pháp luật (hiện hệ thống ĐTQG mới chưa hỗ trợ, tích hợp dịch vụ chứng thực chữ ký số do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ cung cấp), một số nội dung phải kê khai tại webform của hệ thống ĐTQG mới chưa phù hợp, chưa thống nhất với quy định về đấu thầu (Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT ,...) hoặc chưa khả thi trong quá trình triển khai thực tế. Việc nâng cấp, hoàn chỉnh hệ thống ĐTQG của Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch Đầu tư còn chậm, chưa giải quyết kịp thời các vướng mắc.

Một số doanh nghiệp tham dự thầu chưa cập nhật các thay đổi tại Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT và hệ thống mạng đấu thầu quốc gia mới, cụ thể: thay đổi về cách tính kinh nghiệm tương tự của nhân sự, loại hàng hóa quy định theo mã HS,...

Một số văn bản đang quy định nội dung chưa thống nhất với nhau: Thực hiện theo Thông tư số 62/2022/TT-BTC ngày 22/6/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên từ Ngân sách Nhà nước qua Kho bạc Nhà nước, việc mua sắm hàng hóa phải đảm bảo quy định “Đơn giá dự thầu không vượt đơn giá dự toán được duyệt tại Quyết định mua sắm tài sản”. Khoản d Điều 42, Khoản e Điều 43, Luật đấu thầu quy định: nhà thầu là tổ chức được xem xét, đề nghị trúng thầu khi đáp ứng đủ các điều kiện, trong đó: “Có giá đề nghị trúng thầu không vượt giá gói thầu được phê duyệt.”. Do vậy, quy định theo Thông tư số 62/2022/TT-BTC chưa thống nhất với Luật đấu thầu, gây khó khăn trong việc tổ chức mua sắm.

Một số gói thầu do yêu cầu kỹ thuật phức tạp, liên quan đến yêu cầu của các đơn vị nghiệp vụ vì vậy dẫn đến thời gian kéo dài hơn so với kế hoạch ban đầu. Một số nhà thầu do năng lực của cán bộ tham gia triển khai còn hạn chế, chưa nắm rõ về các quy trình nghiệp vụ của ngành tài chính nên công tác triển khai thực hiện hợp đồng kéo dài hơn quy định, nhiều lần phải xin gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng đặc biệt là các đối tác tư vấn và các đối tác về xây dựng và nâng cấp phần mềm ứng dụng.

Bên cạnh đó, các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn về tổ chức xây dựng, triển khai các nhiệm vụ, dự án CNTT vẫn còn cần tiếp tục hoàn chỉnh dẫn tới khâu xây dựng, triển khai các nhiệm vụ, dự án về CNTT tại đơn vị còn nhiều khó khăn. Cụ thể: hướng dẫn xác định chi phí trực tiếp phát triển, nâng cấp, mở rộng phần mềm nội bộ, phương pháp xác định dự toán thuê dịch vụ CNTT theo yêu cầu riêng, về phương thức thanh toán, về định mức lắp đặt phần cứng,...

Cơ hội hợp tác không của riêng ai

Trong giai đoạn 2023-2025, ngành Tài chính sẽ tập trung triển khai các dự án lớn, có quy mô toàn ngành như: Hệ thống thay thế hệ thống quản lý thuế tập trung đáp ứng tái thiết kế quy trình nghiệp vụ; Xây dựng và triển khai hệ thống ứng dụng phân tích dữ liệu và quản lý rủi ro, hệ thống Hải quan một cửa; Xây dựng hệ thống công nghệ thông tin thực hiện Hải quan số đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ trong thông quan; Hệ thống ngân sách và kế toán số (VDBAS), cơ sở dữ liệu ngành chứng khoán, dự trữ.

Cụ thể, trong năm 2023, dự kiến Bộ Tài chính triển khai 113 gói thầu thuộc lĩnh vực CNTT.

Bộ Tài chính đề nghị các đối tác cần nghiên cứu các quy định về triển khai ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước, đề xuất các giải pháp tổng thể để giúp ngành tài chính ứng dụng CNTT hiệu quả, tiếp tục giữ vững vị trí là đơn vị đứng đầu trong khối Bộ ngành về triển khai ứng dụng CNTT.

Các đối tác cần nghiên cứu kỹ các văn bản, quy định của Nghị định số 40/2020/NĐ-CP, Nghị định số 73/2019/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn, Pháp luật đấu thầu, nghiệp vụ về tài chính; khi tham gia đấu thầu cần nghiên cứu kỹ hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu để chuẩn bị tốt hồ sơ dự thầu, hạn chế phải làm rõ hồ sơ, hồ sơ không hợp lệ.

Các đối tác nghiên cứu cập nhật cộng nghệ mới hiện đại nhất, đặc biệt là công nghệ của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 như: Quản trị thông minh Business Inteligence (BI), phân tích dữ liệu lớn, phân tích nâng cao (Advanced analytics), Trí tuệ nhân tạo Artificial Intelligence (AI), chủ động tư vấn đề xuất các giải pháp ứng dụng phù hợp nhất với nghiệp vụ quản lý ngành tài chính.

Chủ động phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, đề xuất các khó khăn vướng mắc trong triển khai để kịp thời cùng Bộ Tài chính tháo gỡ.

Cần tăng cường đầu tư nguồn lực, đầu tư đào tạo nhân sự chất lượng cao giỏi về công nghệ, hiểu biết sâu về các nghiệp vụ tài chính. Khi tham gia triển khai các gói thầu phải có kế hoạch bố trí nhân sự hợp lý, đảm bảo chất lượng, tiến độ và thời gian triển khai thực hiện.

videofileclient videofileclient

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 1178

Tổng số lượt xem: 1157500