Nâng cao chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công
Sáng 16-10, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì phiên họp thứ hai Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ. Phiên họp được tổ chức trực tuyến với chuyên đề “Tình hình, kết quả triển khai các giải pháp đổi mới trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp tại các bộ, ngành, địa phương”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Phiên cùng lãnh đạo các sở ngành tham dự tại điểm cầu Quảng Ngãi.
Theo đánh giá tại phiên họp, thời gian qua, việc thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công đã có nhiều chuyển biến tích cực, bước đầu đã gắn kết với chuyển đổi số theo hướng người dân, doanh nghiệp chỉ cung cấp thông tin một lần, chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp ngày một được cải thiện.
Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, doanh nghiệp, ở một số cơ quan, đơn vị vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, phát sinh thêm thủ tục hành chính, hồ sơ, giấy tờ không đúng quy định; nhiều dịch vụ công trực tuyến thực hiện phức tạp, không đơn giản, thuận lợi hơn so với thực hiện trực tiếp hoặc qua bưu chính; kết quả số hóa hồ sơ, cấp kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử còn hạn chế, việc tái sử dụng kết quả đã được số hóa còn rất thấp; việc phối hợp trong xử lý hồ sơ giữa các cơ quan, đơn vị trong giải quyết thủ tục hành chính, nhất là các nhóm thủ tục hành chính, dịch vụ công liên thông còn chưa hiệu quả; chưa kịp thời tiếp nhận, xử lý khó khăn, vướng mắc trong thực hiện quy định, thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp,…
Nguyên nhân chính của tồn tại, hạn chế trên là do quy định thủ tục hành chính trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật còn bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện; công khai, minh bạch trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công còn yếu; kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm, chưa thực sự gắn việc đánh giá chất lượng thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức định kỳ, hàng năm; chất lượng dịch vụ công trực tuyến còn thấp, chưa lấy người dùng làm trung tâm; hạ tầng công nghệ thông tin còn yếu, thiếu đồng bộ,…
Để kịp thời chấn chỉnh và khắc phục những tồn tại, hạn chế nguyên nhân nêu trên, nâng cao chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công, trong thời gian tới, Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị về nâng cao chất lượng phục vụ trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp; rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định thủ tục hành chính tại các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành để phù hợp với việc chuyển từ phương thức tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính truyền thống, giấy tờ, trực tiếp sang trực tuyến; kịp thời nắm bắt và xử lý dứt điểm những vướng mắc, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính.
Thực hiện nghiêm việc công bố, công khai thủ tục hành chính trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính theo quy định, trong đó năm 2023, các bộ, ngành hoàn thành công bố danh mục thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý có đủ điều kiện thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình làm căn cứ để địa phương tổ chức thực hiện thống nhất, hiệu quả. 100% hồ sơ thủ tục hành chính phải được tiếp nhận, giải quyết trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh, đồng bộ với Cổng dịch vụ công quốc gia và công khai quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính để người dân, doanh nghiệp theo dõi, đánh giá việc thực hiện.
Tập trung tái cấu trúc quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính trên cơ sở liên thông điện tử và tái sử dụng dữ liệu để xây dựng, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến, bảo đảm tuân thủ nguyên tắc lấy người dùng làm trung tâm.
Thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo đúng quy định của Chính phủ tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP và Nghị định số 107/2021/NĐ-CP, gắn việc số hóa với việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính.
Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong giải quyết thủ tục hành chính, nhất là các nhóm thủ tục hành chính, dịch vụ công liên thông.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả, đẩy mạnh thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) tại bộ, ngành, địa phương.
Có cơ chế, chính sách phù hợp, thực hiện ưu tiên bố trí đầy đủ nhân lực, kinh phí hàng năm cho việc triển khai các nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, hoàn thành các mục tiêu theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ,…
Nguồn: Cổng TTDT tỉnh. Tô Thủy Tiên