100% giao dịch thủ công đã được thực hiện trên dịch vụ công trực tuyến
Trong các hoạt động nghiệp vụ, Kho bạc Nhà nước (KBNN) luôn kiên định với mục tiêu “lấy khách hàng làm trọng tâm phục vụ”. Theo đó, trong suốt nhiều năm liền trở lại đây, KBNN đã đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm tinh giảm thủ tục hành chính, tăng cường minh bạch thông qua việc cung cấp 100% thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) toàn trình với 100% đơn vị thuộc đối tượng bắt buộc tham gia DVCTT.
Công chức Kho bạc Nhà nước đang kiểm soát các hồ sơ thanh toán vốn trên DVCTT. Ảnh: H.T |
Chỉ trong vòng 5 năm, từ 2016 đến 2020, KBNN đã hoàn thành triển khai DVCTT đến 100% đơn vị (trừ khối an ninh-quốc phòng) với 11 thủ tục hành chính trong lĩnh vực Kho bạc. Từ 100% giao dịch được giao nhận thủ công, đến nay, các giao dịch đã hoàn toàn được thực hiện trên DVCTT của KBNN. Hàng năm, KBNN đã giải quyết trên 20 triệu hồ sơ kiểm soát chi NSNN trên DVCTT, chiếm trên 95% tổng số giao dịch kiểm soát chi qua KBNN.
Hàng năm, KBNN đã giải quyết trên 20 triệu hồ sơ kiểm soát chi NSNN trên DVCTT, chiếm trên 95% tổng số giao dịch kiểm soát chi qua KBNN. |
Đặc biệt, KBNN đã hoàn thành mục tiêu xây dựng Kho bạc điện tử theo chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2010 - 2020, chuyển từ giao dịch thủ công truyền thống sang Kho bạc điện tử. Đồng thời, KBNN đã ứng dụng công nghệ thông tin một cách toàn diện phục vụ các chức năng và nhiệm vụ cốt lõi của KBNN như: Quản lý quỹ NSNN và các quỹ tài chính nhà nước; quản lý ngân quỹ và huy động vốn cho đầu tư phát triển; tổng hợp, lập Báo cáo tài chính nhà nước; tổng hợp Báo cáo quyết toán NSNN; công tác kiểm soát chi; thanh tra, kiểm tra.
Hiện đại hóa cơ sở hạ tầng hướng tới Kho bạc số
Công chức Kho bạc Nhà nước tỉnh Bắc Giang thực hiện tra soát số liệu trên DVCTT. Ảnh: H.T |
Để có được những kết quả tích cực, mang lại cho khách hàng và các đơn vị sử dụng ngân sách nhiều thuận lợi trong giao dịch, KBNN đã triển khai đồng bộ hạ tầng CNTT hiện đại như: Hình thành trung tâm dữ liệu, ảo hóa, điện toán đám mây, lưu trữ, sao lưu tập trung…; xây dựng và triển khai Trục tích hợp (ESB-Enterprise Service Bus) trở thành xương sống kết nối trao đổi thông tin giữa các chương trình ứng dụng trong và ngoài Kho bạc; thực hiện các nhiệm vụ định tuyến, chuyển đổi và xác thực dữ liệu truyền/nhận giữa các chương trình ứng dụng, cung cấp cổng trao đổi thông tin với đối tác trong và ngoài ngành Tài chính như cơ quan thuế, hải quan và các ngân hàng thương mại trong thanh toán điện tử song phương và phối hợp thu NSNN.
Các thông tin được trao đổi qua Trục tích hợp là dữ liệu chứng từ truyền/nhận giữa các hệ thống ứng dụng với Tabmis (Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc); lệnh thanh toán, điện tra soát, điện đối chiếu, lệnh quyết toán... giữa KBNN và ngân hàng thương mại; lệnh hoàn thu, bảng kê thu NSNN hàng ngày truyền-nhận giữa KBNN và cơ quan thuế, hải quan...
Góp phần thực hiện thành công các mục tiêu đã đặt ra tại Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030, đặc biệt là hướng tới mục tiêu hoàn thành xây dựng Kho bạc số, trong thời gian tới, KBNN sẽ tiếp tục bám sát chương trình hành động của chiến lược để chủ động thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Trong đó, KBNN đặc biệt chú trọng và ưu tiên nguồn lực hoàn thiện cơ chế, chính sách và quy trình nghiệp vụ, nhất là các đề án, chính sách thuộc Chương trình hành động của Bộ Tài chính thực hiện Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030, tạo cơ sở pháp lý vững chắc, đồng bộ cho việc chuyển đổi từ Tabmis sang Hệ thống quản lý ngân sách và kế toán nhà nước số (VDBAS).
Trước mắt, KBNN sẽ tiếp tục duy trì và phát huy kết quả đạt được của giai đoạn phát triển 2010 - 2020, tăng cường liên thông, kết nối thông tin, dữ liệu trong giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ hành chính công của Kho bạc.