Kho bạc Nhà nước cung cấp tiện ích mới cho người sử dụng dịch vụ công trực tuyến
Năm 2023, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đang đẩy mạnh, triển khai Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào các hoạt động nghiệp vụ và quản trị nội bộ, hướng tới Kho bạc số; tiếp tục tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng dịch vụ của hệ thống KBNN.
Thời gian qua, KBNN đã duy trì cung cấp 100% thủ tục hành chính (TTHC) qua Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 4 (11/11), với 100% đơn vị thuộc đối tượng bắt buộc tham gia DVCTT; hoạt động giao dịch với KBNN 24/7 (kể cả ngày nghỉ, ngày lễ) với số lượng giao dịch chi ngân sách nhà nước (NSNN) qua DVCTT đạt tỷ lệ trên 99,6%.
KBNN đã cung cấp nhiều tính năng, tiện ích mới cho người sử dụng như: Cung cấp tính năng tra cứu số dư tài khoản và trạng thái hồ sơ kiểm soát chi qua ứng dụng trên thiết bị di động; thí điểm công nghệ ký số từ xa (Remote-signing) trên DVCTT tại các đơn vị sử dụng ngân sách giao dịch với KBNN TP. Hà Nội (công nghệ ký số thế hệ mới cho phép người dùng không phụ thuộc vào thiết bị vật lý để ký số); thí điểm trao đổi dữ liệu với các nhà cung cấp dịch vụ điện, nước và viễn thông để chủ động thanh toán cho các đơn vị sử dụng dịch vụ thông qua văn bản ủy quyền điện tử của đơn vị cho KBNN nơi giao dịch...
Ngoài ra, KBNN đã triển khai thành công trên phạm vi toàn quốc hệ thống quản lý, kiểm soát chi đầu tư qua KBNN (hệ thống ĐTKB-GD), đáp ứng yêu cầu về chuẩn hóa dữ liệu và quản lý, kiểm soát chứng từ chi đầu tư qua KBNN theo phương thức điện tử, cung cấp kịp thời thông tin phục vụ quản lý điều hành của Chính phủ, Bộ Tài chính và cấp ủy, chính quyền địa phương.
Dữ liệu báo cáo giải ngân vốn đầu tư công phát sinh hàng ngày được tổng hợp từ KBNN huyện, KBNN tỉnh và được đồng bộ lên KBNN Trung ương. Số liệu giải ngân vốn đầu tư công được khai thác một cách kịp thời, chủ động tại mọi thời điểm, là cơ sở quan trọng để đánh giá tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của các bộ, ngành, địa phương một cách công khai, minh bạch, phục vụ tốt cho công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Bộ Tài chính và các cấp chính quyền địa phương, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Mô hình thanh toán điện tử liên ngân hàng tập trung và liên thông các hệ thống công nghệ thông tin đã được KBNN triển khai thành công. Đây là bước cải tiến lớn trong công cuộc hiện đại hóa của ngành Tài chính nói chung, hệ thống KBNN nói riêng. Triển khai mô hình thanh toán điện tử liên ngân hàng tập trung đã góp phần hoàn thiện liên thông các hoạt động nghiệp vụ KBNN, mang lại nhiều lợi ích cho cả KBNN và đơn vị giao dịch: Tự động hóa tối đa các bước xử lý trên ứng dụng, rút ngắn thời gian kiểm soát các món chi ngân sách, góp phần đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn NSNN, nâng cao năng suất cũng như chất lượng lao động của công chức hệ thống KBNN...
Đồng thời, KBNN đã mở rộng phối hợp thu NSNN và thanh toán song phương điện tử với các ngân hàng thương mại; Phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan đẩy mạnh thu phí, lệ phí, thu phạt qua Cổng dịch vụ công Quốc gia; Triển khai thí điểm thanh toán tự động các khoản chi điện, nước, dịch vụ viễn thông theo ủy quyền của các đơn vị sử dụng ngân sách tại KBNN TP. Hà Nội, KBNN TP. Hồ Chí Minh; Ban hành chuẩn kết nối thông tin dữ liệu và tích hợp phần mềm ứng dụng của các đơn vị sử dụng ngân sách với hệ thống CNTT của KBNN...
KBNN xác định từ nay đến năm 2026: Toàn hệ thống KBNN sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: Định danh từng khoản thu NSNN; Hoàn thiện mô hình thanh toán tập trung; Hoàn thiện quy trình tổng hợp, lập và trình Báo cáo tài chính nhà nước (2022-2026); Hoàn thiện cơ chế, quy trình tổng hợp, lập và trình Báo cáo quyết toán NSNN; Số hóa công tác kiểm soát, thanh toán các khoản chi NSNN qua KBNN; Thực hiện chia sẻ và liên thông dữ liệu số trong toàn bộ quá trình quản lý chi NSNN...
Giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2030, KBNN sẽ đổi mới công nghệ quản lý cam kết chi NSNN; Phân cấp kiểm soát chi NSNN theo mức độ rủi ro; Xây dựng cơ sở dữ liệu kế toán tổng hợp cho toàn bộ khu vực nhà nước trên cơ sở kết nối, thu thập dữ liệu từ các đơn vị kế toán nhà nước, cho phép kết xuất thông tin, báo cáo đa chiều theo từng cấp độ tổng hợp thông tin về NSNN và tài chính nhà nước; Xây dựng và từng bước triển khai đề án mô hình kho bạc 2 cấp; Đẩy mạnh hoạt động kiểm tra và thanh tra chuyên ngành thông qua môi trường số và hệ thống CNTT.
VVan.Nguồn: mof.gov.vn